Chuyển tới nội dung

Bí quyết ghi điểm khi trả lời điểm mạnh điểm yếu trong phỏng vấn

    Câu hỏi về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân luôn nằm trong top những câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhất. Tuy nhiên, không ít ứng viên vẫn còn lo sợ bị lộ khuyết điểm mà chưa biết cách tận dụng lợi thế từ câu hỏi này. Họ chưa hiểu được rằng nhà tuyển dụng không cần sự hoàn hảo mà là cách ứng viên trung thực nhìn nhận điểm yếu, có thái độ cầu tiến để khắc phục.

    Việc trả lời khéo léo và có chiến lược sẽ giúp ứng viên thể hiện tác phong chuyên nghiệp, tư duy tự hoàn thiện bản thân và đáng tin cậy. Bài viết này sẽ hướng dẫn ứng viên xác định điểm mạnh, cũng như trình bày điểm yếu sao cho chân thực nhưng vẫn thể hiện được tiềm năng phát triển.

    Tầm quan trọng của việc xác định điểm mạnh điểm yếu của bản thân

    Việc hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân là một trong những bước quan trọng nhất trong hành trình phát triển nghề nghiệp. Đặc biệt khi bạn đang chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn. Đây không chỉ là câu hỏi thường gặp từ nhà tuyển dụng, mà còn là câu tự hỏi xuyên suốt sự nghiệp để mỗi người chủ động hoàn thiện bản thân.

    Về cơ bản, việc xác nhận điểm mạnh và điểm yếu sẽ giúp ích cho mỗi người như sau:

    • Cơ sở để lựa chọn công việc phù hợp với năng lực cá nhân: Điểm mạnh và điểm yếu của học sinh, sinh viên và cả người đã đi làm là yếu tố quan trọng giúp họ hiểu được mình giỏi cái gì, chưa giỏi cái gì. Từ đó, họ sẽ cân nhắc để lựa chọn ngành nghề và môi trường làm việc phù hợp.
    • Giúp xây dựng lộ trình phát triển cá nhân rõ ràng: Khi xác định được điểm mạnh và điểm yếu, mỗi cá nhân có thể lên kế hoạch học hỏi, nâng cao kỹ năng lợi thế và khắc phục những điểm yếu. Ví dụ: cải thiện khả năng nói trước đám đông, nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, v.v.
    • Tạo lợi thế cạnh tranh trong tuyển dụng: Khi ứng viên hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, họ sẽ biết cách vận dụng để đưa ra câu trả lời thuyết phục, chân thật hơn. Điều này giúp họ ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng bởi tư duy phản biện, khả năng tự nhìn nhận, khắc phục và phát triển.
    • Nền tảng để cải thiện hiệu suất làm việc và tinh thần hợp tác: Trong môi trường làm việc, đặc biệt là lĩnh vực sự kiện, team building,… việc hiểu rõ điểm mạnh – yếu giúp mọi người phối hợp nhịp nhàng hơn với đồng đội. Người hiểu về bản thân và đồng đội sẽ dễ tiếp thu góp ý, điều chỉnh hành vi, từ đó hòa nhập tập thể nhanh chóng, giảm thiểu mâu thuẫn không cần thiết.
    • Thể hiện tinh thần cầu tiến và thái độ tích cực: Trong môi trường làm việc, đặc biệt phải giao tiếp với khách hàng thường xuyên, thái độ học hỏi và phát triển liên tục là yếu tố giúp ứng viên được đánh giá cao, biết cách ứng biến linh hoạt.
    Việc xác định điểm mạnh và điểm yếu sẽ giúp ứng viên chủ động trong việc phát triển bản thân và tư tin hơn trong phỏng vấn
    Việc xác định điểm mạnh và điểm yếu sẽ giúp ứng viên chủ động trong việc phát triển bản thân và tư tin hơn trong phỏng vấn

    Tại sao câu hỏi “Điểm mạnh – điểm yếu” luôn xuất hiện trong phỏng vấn?

    Câu hỏi “Điểm mạnh – điểm yếu của bạn là gì?” luôn là một trong những phần không thể thiếu trong các buổi phỏng vấn vì nó mang lại nhiều thông tin giá trị cho nhà tuyển dụng. Trước hết, câu hỏi này giúp họ đánh giá mức độ tự nhận thức của ứng viên – một yếu tố quan trọng phản ánh sự trưởng thành, khả năng nhìn nhận bản thân và ý thức phát triển cá nhân.

    Thứ hai, qua cách ứng viên trình bày điểm mạnh, nhà tuyển dụng sẽ xem xét sự tư duy và khả năng phù hợp với vị trí tuyển dụng. Song song đó, việc ứng viên thẳng thắn chia sẻ điểm yếu kèm theo hướng khắc phục thể hiện sự trung thực, cầu tiến và tinh thần học hỏi. Đây là một bài test ngầm giúp nhà tuyển dụng đánh giá rất nhiều yếu tố và kỹ năng từ ứng viên. Hãy nhớ rằng, doanh nghiệp không chỉ cần người giỏi hiện tại mà họ cần người có tiềm năng phát triển lâu dài với công ty.

    Bí quyết “vàng” khi trả lời về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân

    Trả lời câu hỏi về điểm mạnh – điểm yếu không khó nếu bạn có sự chuẩn bị đúng cách và chiến lược rõ ràng. Dưới đây là những nguyên tắc “vàng” giúp người nói ghi điểm một cách tinh tế và chuyên nghiệp.

    1. Trung thực nhưng có chiến lược

    Nhà tuyển dụng không mong đợi một ứng viên hoàn hảo. Họ cần người biết mình mạnh ở đâu, yếu những gì và đang làm gì để phát triển. Bên cạnh đó, cách trả lời cũng thể hiện sự sáng tạo và tự chủ của một người.

    Chính vì thế mà người nói không nên cố nhồi nhét những tính từ chung chung như “chăm chỉ, sáng tạo,…”, hoặc copy những khuôn mẫu như “tôi quá cầu toàn”. Thay vào đó, hãy đề cập đến những điểm mạnh hữu ích cho vị trí ứng tuyển và điểm yếu có thể cải thiện được.

    Ví dụ: Nếu vị trí không cần phải giao tiếp với khách hàng như IT, design, kế toán,… thì điểm yếu ngại đám đông (nhưng đang muốn khắc phục) sẽ có thể chấp nhận được.

    Tuy nhiên, ứng viên cần lưu ý không nên trình bày những điểm yếu có ảnh hưởng tiêu cực và trực tiếp đến vị trí công việc. Nếu tự nhận thấy điểm yếu của bản thân thật sự không phù hợp với vị trí tuyển dụng, ứng viên nên suy nghĩ kỹ để khắc phục hoặc tìm lựa chọn công việc phù hợp hơn.

    Ví dụ: Với vị trí ứng tuyển là nhân viên nhân sự, điều phối team building,… thì điểm yếu ngại giao tiếp, sợ đám đông sẽ là điểm yếu chí mạng. Do đó, ứng viên thật sự muốn làm những công việc này thì cần tích cực khắc phục nhược điểm càng sớm càng tốt.

    2. Kết hợp với câu chuyện thật

    Ứng viên không nên chỉ trình bày điểm mạnh, điểm yếu suông mà hãy kết hợp dẫn chứng với tình huống hoặc một dự án cụ thể để tăng tính thuyết phục. Khi nói về điểm mạnh, hãy cho nhà tuyển dụng thấy ứng viên đã vận dụng hiệu quả điểm mạnh của mình như thế nào?

    Ví dụ: “Điểm mạnh của tôi là khả năng kết nối và tổ chức công việc một cách linh hoạt trong môi trường có nhiều bên liên quan. Trước đây, khi còn là chuyên viên phụ trách các chương trình nội bộ, tôi đã trực tiếp tổ chức chuỗi workshop ‘Gắn kết đội ngũ – Đồng hành mục tiêu’ cho hơn 150 nhân sự khối văn phòng. Nhờ chủ động trao đổi với từng trưởng bộ phận để hiểu rõ nhu cầu đào tạo, cùng với việc phối hợp chặt chẽ với phòng truyền thông và hành chính, tôi đã thiết kế được chương trình vừa sát với thực tế công việc, vừa tạo được cảm hứng cho người tham gia. Kết quả là chương trình nhận được phản hồi tích cực từ cả nhân viên lẫn ban lãnh đạo – 100% nhân sự tham gia đầy đủ và hơn 80% cho biết họ áp dụng được ít nhất một nội dung đã học vào thực tế sau 2 tuần triển khai. Đó là thời điểm tôi nhận ra việc kết nối giữa các bên không chỉ là kỹ năng mềm, mà còn là yếu tố quyết định sự thành công của một chương trình mang tính lan tỏa.”

    3. Biến điểm yếu thành cơ hội phát triển

    Có một cách trả lời điểm yếu của bản thân rất ấn tượng là hãy biến điểm yếu thành cơ hội phát triển trong sự nghiệp của ứng viên. Để làm được điều này, ứng viên cần thẳng thắn thừa nhận, trình bày những trải nghiệm/hậu quả mà điểm yếu mang đến. Tiếp đến, hãy cho nhà tuyển dụng thấy sự ý thức, quá trình nỗ lực khắc phục điểm yếu và kết quả tốt đẹp mà ứng viên đạt được.

    Ví dụ, cùng với vị trí chuyên viên đào tạo như trên, ứng viên có thể chia sẻ như sau:

    “Tôi đã từng là một người ngại thuyết trình trước đám đông. Những ngày đầu sự nghiệp tôi hoàn toàn chỉ đứng sau hậu trường, xây dựng kế hoạch, nội dung đào tạo, tổ chức sự kiện nhưng tuyệt nhiên không dám bước lên sân khấu. Nhìn những anh/chị và đồng nghiệp tự tin trước những tràng pháo tay tán thưởng, tôi rất ngưỡng mộ và nhận ra rằng kỹ năng thuyết trình rất quan trọng.

    Từ đó, tôi đã nỗ lực thay đổi bản thân, luyện tập thuyết trình trước gương và đồng đội để dần dần vượt qua nỗi sợ vô hình. Tôi đã mạnh dạn nhận những nhiệm vụ thuyết trình, dẫn chương trình, điều phối team building của doanh nghiệp và hoàn thành xuất sắc. Giờ đây tôi đã có thể tự tin làm chủ sân khấu, tổ chức sự kiện và thuyết trình trước hàng trăm đại biểu.

    Giây phút cầm micro chia sẻ những câu chuyện và lắng nghe những tràng cười, tiếng vỗ tay hưởng ứng, tôi đã rất hạnh phúc. Khi đã vượt qua được nỗi sợ thuyết trình, tôi nhận ra chỉ cần có đủ quyết tâm, nỗ lực, và kiên trì tôi sẽ có thể chinh phục được mọi thử thách.”

    Trả lời về điểm yếu một cách thông minh sẽ giúp thể hiện tinh thần cầu tiến luôn chủ động học tập nâng cao năng lực của ứng viên
    Trả lời về điểm yếu một cách thông minh sẽ giúp thể hiện tinh thần cầu tiến luôn chủ động học tập nâng cao năng lực của ứng viên

    Gợi ý cách trình bày điểm yếu và điểm mạnh của bản thân ấn tượng

    Hướng dẫn trả lời điểm mạnh của bản thân tinh tế và ấn tượng

    Để ghi điểm trong câu hỏi này, trước tiên ứng viên cần đảm bảo rằng mình hiểu được nhà tuyển dụng, bao gồm lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ. Hãy nghiên cứu kỹ yêu cầu công việc để xác định bản thân mình có những điểm mạnh nào phù hợp với yêu cầu của họ.

    Ứng viên nên tự lựa chọn 2 – 3 điểm mạnh có liên hệ trực tiếp đến kinh nghiệm làm việc và vị trí tuyển dụng. Điểm mạnh nên kết hợp với câu chuyện thực tế để chứng minh rằng ứng viên hiểu rõ thế mạnh và đã phát huy thế mạnh vào công việc rất hiệu quả.

    Ví dụ, người đã có kinh nghiệm làm nhân viên nhân sự, muốn ứng tuyển vào công ty tổ chức sự kiện thì có thể trả lời như sau:

    “Điểm mạnh của tôi là hoạt ngôn, quản lý dự án và điều phối chương trình tốt. Từ khi còn đi học tôi đã thích tham gia tổ chức các hoạt động ngoại khoá và văn nghệ của khoa và trường học. Trong 2 năm làm nhân viên nhân sự ở công ty X, tôi đã tổ chức 10 buổi đào tạo chuyên ngành, các hoạt động team building, company trip, YEP hằng năm. Chính vì thế mà tôi tin rằng mình phù hợp và sẽ làm tốt công việc điều phối team building và sự kiện ở quý công ty.”

    Nếu chưa có kinh nghiệm làm việc, ứng viên có thể liên hệ đến những kinh nghiệm trong quá trình học, tham gia dự án cộng đồng, ngoại khoá hoặc cả kinh nghiệm cá nhân.

    Hướng dẫn trình bày điểm yếu khéo léo nhưng chân thành

    Như đã đề cập từ trước, việc thừa nhận điểm yếu không phải là “tự bêu xấu”, mà là cách ứng viên thể hiện sự trung thực, khả năng tự nhìn nhận và tinh thần cầu tiến. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải chọn điểm yếu phù hợp. Tức là những khuyết điểm không làm giảm giá trị chuyên môn, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị trí ứng tuyển, và đặc biệt cần kèm theo kế hoạch cải thiện cụ thể.

    Ứng viên cũng cần dựa trên yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để nhìn nhận lại bản thân, xem mình chưa đáp ứng được những điều kiện nào. Nếu nhận ra được điểm yếu, ứng viên nên có kế hoạch khắc phục ngay.

    Việc trình bày theo công thức: Điểm yếu → Hậu quả → Hành động cải thiện → Kết quả bước đầu hoặc định hướng tương lai sẽ giúp câu trả lời chân thật mà vẫn ghi điểm chuyên nghiệp.

    Ví dụ, ứng viên điều phối sự kiện ở phần trên có thể trả lời điểm yếu của bản thân như sau:

    “Tôi xuất phát từ môi trường tổ chức sự kiện nội bộ, nơi mà phần lớn người tham dự là đồng nghiệp, nên quy trình lên kế hoạch, phối hợp và triển khai thường diễn ra khá thuận lợi. Tuy nhiên, khi bước sang lĩnh vực tổ chức sự kiện cho khách hàng doanh nghiệp, tôi nhận ra mình cần thích nghi với những yêu cầu đa dạng hơn — từ quy mô, mục tiêu đến văn hóa từng doanh nghiệp.

    Dù chưa có quá nhiều kinh nghiệm thực chiến trong các dự án lớn ngoài doanh nghiệp, tôi xem đây là cơ hội để mình phát triển mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy, thời gian gần đây tôi đã chủ động tham gia một số sự kiện quy mô lớn như [tên event X] để quan sát quy trình chuyên nghiệp, học hỏi từ những anh chị giàu kinh nghiệm, đồng thời trau dồi thêm kỹ năng quản lý nhiều đầu việc cùng lúc. Tôi tin rằng với nền tảng tổ chức sẵn có và tinh thần học hỏi cao, tôi sẽ nhanh chóng bắt nhịp và đóng góp hiệu quả trong môi trường mới.”

    Những lỗi thường gặp khi phân tích điểm mạnh và điểm yếu

    Dù câu hỏi về điểm mạnh – điểm yếu rất phổ biến, nhưng không ít ứng viên vẫn mắc những lỗi cơ bản khiến phần trả lời trở nên kém thuyết phục hoặc phản tác dụng như:

    • Trả lời sáo rỗng, rập khuôn, hoặc tránh né câu hỏi: Những câu như “Tôi không có điểm yếu” hoặc “Điểm yếu của tôi là quá cầu toàn” nghe qua tưởng tích cực nhưng lại gây mất điểm. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn thiếu trung thực hoặc chưa có khả năng tự đánh giá bản thân.
    • Chọn điểm mạnh hoặc điểm yếu không liên quan đến công việc: Ứng viên của vị trí điều phối tour mà nói điểm mạnh là “thích vẽ tranh” hoặc điểm yếu là “không giỏi nấu ăn” thì hoàn toàn lệch trọng tâm. Hãy luôn ưu tiên các yếu tố liên quan đến kỹ năng chuyên môn hoặc môi trường làm việc thực tế.
    • Trả lời dài dòng, thiếu ví dụ cụ thể: Một câu trả lời lan man, không dẫn chứng sẽ khó tạo dấu ấn với nhà tuyển dụng. Ứng viên cần chứng minh điểm mạnh và điểm yếu bằng tình huống thực tế để tăng độ tin cậy.
    • Không thể hiện định hướng cải thiện sau điểm yếu: Thừa nhận điểm yếu là chưa đủ, ứng viên cần thể hiện ý thức học hỏi và hành động cụ thể đang thực hiện để khắc phục – đây là yếu tố nhà tuyển dụng đặc biệt đánh giá cao.
    Khi trả lời hãy lồng ghép vào những trải nghiệm thực tế cho thấy ứng viên đã vận dụng điểm mạnh vào công việc và cách khắc phục hiệu quả điểm yếu
    Khi trả lời hãy lồng ghép vào những trải nghiệm thực tế cho thấy ứng viên đã vận dụng điểm mạnh vào công việc và cách khắc phục hiệu quả điểm yếu

    Một câu trả lời ấn tượng cho câu hỏi “Điểm mạnh – điểm yếu của bạn là gì?” không nằm ở lời lẽ trau chuốt hay công thức khuôn mẫu, mà ở việc ứng viên có thật sự hiểu rõ bản thân hay không? Nhà tuyển dụng sẽ ấn tượng với những ứng viên biết mình ở đâu, có lợi thế gì, cần cải thiện điều gì, và đặc biệt là có định hướng phát triển rõ ràng.

    Hãy nhớ, hiểu bản thân không chỉ giúp bạn vượt qua một buổi phỏng vấn, mà còn là nền tảng để xây dựng sự nghiệp vững chắc về lâu dài. Và chính từ sự hiểu mình ấy, bạn sẽ biết cách tỏa sáng theo cách riêng, không cần gượng ép hay “đóng vai” ai khác.

    Đăng ký dịch vụ